Biếng ăn là một triệu chứng liên quan đến sự không thèm ăn.
– Có rất nhiều nguyên nhân:
thực thể như: bệnh ác tính, nhiễm trùng do vi trùng, siêu vi, bệnh chuyển hoá,…tâm lý
– Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do đa số các bậc cha mẹ quá lo lắng và nghĩ rằng con mình không ăn được nhiều. Thật ra, đa số các trường hợp là những trẻ bình thường nhưng nhu cầu của trẻ thấp hơn bình thường, và cha mẹ thường ép trẻ ăn lượng mà cha mẹ nghĩ là “bình thường”. Khi chúng ta càng ép trẻ ăn, trẻ lại càng sợ thức ăn và gia đình lại càng áp lực để trẻ ăn cho bằng được. Do vậy, cần thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này.
Cần phân biệt 5 dạng:
1. Biếng ăn ở trẻ nhỏ
2. Rối loạn ăn uống do thiếu quan tâm
3. Tránh thức ăn
4. Trẻ “ăn ít”
5. Rối loạn hành vi ăn uống sau chấn thương
Hậu quả tùy vào thời gian:
– ngắn: ít biến chứng
– kéo dài: suy dinh dưỡng, tử vong
Tình trạng biếng ăn hay ăn no được kiểm soát bởi vùng hạ đồi.
Ngoài hệ thống thần kinh, hệ thống nội tiết cũng ảnh hưởng trên cảm giác đói hoặc no qua các hormone như ghrelin, leptin và đường trong máu.
– Tình trạng trẻ (dưới 14 tuổi nói chung) biếng ăn, thấp bé nhẹ cân hơn bạn cùng trang lứa luôn là nỗi lo lắng của cha mẹ.
Cách mà phụ huynh luôn tìm đến là cho con dùng thuốc kích thích ăn ngon và tăng cân. Tuy nhiên, việc cho trẻ dùng các loại thuốc này chứa đựng những nguy hiểm cho cơ thể.
Bản chất của các thuốc kích thích ăn ngon và tăng cân là gì?
Thuốc có chứa cyproheptadin: Là loại thuốc được truyền miệng và cho trẻ sử dụng nhiều nhất. Thực chất cyproheptadin là một thuốc kháng histamin thế hệ II, được chỉ định dùng trong các trường hợp chống dị ứng như: ngứa, nổi mề đay, hắt hơi, sổ mũi… nhưng có thêm tác dụng kích thích cảm giác đói, sự thèm ăn nếu dùng vào ban ngày và gây buồn ngủ khi dùng về đêm. Thuốc không làm tăng trọng mà tác dụng gián tiếp điều trị chứng chán ăn cho trẻ, làm cho trẻ dùng thuốc ăn ngon hơn. Tác dụng gây thèm ăn của cyproheptadin chỉ xuất hiện tạm thời trong thời gian dùng thuốc nhưng khi ngưng thuốc trẻ sẽ chán ăn trở lại và bị sụt cân.
Cyproheptadine KHÔNG được chỉ định trong điều trị biếng ăn, việc kích thích cảm giác thèm ăn chính là một tác dụng phụ của Ciproheptadine.
Cyproheptadine có nhiều tác dụng phụ nguy hại khi sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi như: táo bón, khô miệng, mệt mỏi, lơ mơ, ngủ gà, ức chế thần kinh trung ương nếu dùng trong thời gian dài. Hệ thần kinh của bé luôn trong trạng thái mệt mỏi, bị ức chế gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trí tuệ.
Nguy hiểm hơn, là trẻ có thể bị kích thích gây co giật, là một tác dụng phụ xảy ra trên thần kinh ngoại tháp.
Hiện nay bộ Y tế đã cấm sử dụng Cyproheptadine cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và người cao tuổi suy nhược.
Đồng thời, Cục quản lý dược Việt Nam cũng đã cấm sử dụng Cyproheptadine trong việc điều trị biếng ăn cho trẻ nhỏ.
Thế nhưng, trên thị trường hiện nay Cyproheptadine vẫn được sử dụng núp bóng dưới những tên gọi khác nhau như: Periactin, Peritol, Ciprodin, Ciplactin…
Các thuốc chống viêm glucocorticoid: Thường được gọi tắt là corticoid hay steroid. Đây là thuốc dùng để chống viêm, điều trị các bệnh thấp khớp, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp như hen phế quản, bệnh thận hư… dùng theo đơn, nhưng cũng hay bị lạm dụng cho mục đích tăng cân. Các thuốc thuộc nhóm này gồm dexamethasone, prednison, pednisolon… Tác dụng phụ của thuốc corticoid là gây giữ muối, giữ nước trong cơ thể làm tăng cân, gây phù. Khi cho trẻ dùng thuốc này kéo dài sẽ có cảm giác béo ra, tăng cân với khuôn mặt tròn như mặt trăng. Một số người tưởng là tốt nhưng thực ra là biểu hiện của tác dụng phụ có hại của thuốc. Đây chỉ là sự tăng cân giả tạo. Mặt khác, khi dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, corticoid được dùng liên tục quá 15 ngày hoặc bị dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm, với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải… Ngoài tác dụng phụ gây béo phì, thuốc còn có một số tác dụng phụ nguy hiểm khác như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây tắc mạch, có thể gây loét dạ dày – tá tràng, làm giảm sự đề kháng của cơ thể nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Thuốc có dẫn chất là hormon sinh dục: Một thuốc khác có chứa hoạt chất là nandrolon phenylpropionat, một dẫn chất tổng hợp tương tự hormon sinh dục nam testosterone, nhưng có cấu trúc hóa học hơi khác testosterone, cũng bị lạm dụng cho mục đích tăng cân, nhất là trẻ ở lứa tuổi nhỡ nhỡ (tầm 10-14 tuổi). Tác dụng chủ yếu của nandrolon phenylpropionat là đồng hóa protein, nghĩa là giúp cơ thể hấp thu, chuyển hóa chất đạm và vận chuyển các acid amin của chất đạm vào bên trong mô cơ, làm cho cơ thể phát triển cơ bắp, tăng cân. Thuốc được chỉ định điều trị chứng gầy ốm, sụt cân, mất sức sau khi mắc bệnh nặng, nhưng không được dùng cho trẻ dưới 15 tuổi.
Điều trị trẻ biếng ăn bằng thảo dược
Gần đây, các chế phẩm giúp bé ăn ngon có nguồn gốc thảo dược đang là xu hướng chung trên toàn thế giới.
Các loại thảo dược này giúp bé ăn ngon hơn một cách tự nhiên nhờ có chứa nguồn Vitamin thực vật đa dạng và phong phú; đồng thời giúp bổ sung dinh dưỡng còn thiếu cho bé trong khoảng thời gian bị biếng ăn mà không có loại Vitamin tổng hợp nào có thể thay thế.
Đối với một loại chế phẩm kích thích trẻ ăn ngon lý tưởng, phải đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí sau:
Kích thích cảm giác thèm ăn nhưng không ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bé
Giúp tăng cường hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, kích thích hệ tiêu hóa.
Bổ sung các chất dinh dưỡng mà cơ thể bé bị thiếu hụt.
Điều quan trọng hơn hết là khi mua các loại TPCN có nguồn gốc thảo dược, cha mẹ nên tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm để đảm an toàn khi sử dụng cho con mình, vì cơ thể bé nhỏ của con rất nhạy cảm dễ bị tổn thương.
Thực phẩm chức năng chứa men tiêu hóa
Đây là dòng sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.
Các sản phẩm này thường có thành phần chủ yếu như: các Vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B5, B12), các loại vi chất (Calcium, Kẽm, Mg, Selen, Photpho), các Acid Amin (Taurine, Lysine).
Đa số những loại thực phẩm chức năng này đều có tác dụng giúp bổ sung một phần các chất dinh dưỡng cho trẻ, để bù đắp lại lượng dinh dưỡng bị thiếu hụt trong khoảng thời gian trẻ bị biếng ăn.
Đồng thời những thực phẩm chức năng dạng này có thể bổ sung thêm chất xơ, hỗ trợ điều trị táo bón và rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ.
Nên làm gì khi trẻ kém ăn, nhẹ cân?
Tình trạng chán ăn ở trẻ thực sự đáng ngại khi trẻ có thay đổi về cảm xúc, tâm lý như lo lắng, cô đơn, trầm cảm… khiến cho trẻ ăn không ngon miệng, không thích ăn, chán ăn… Ngoài ra, với các trường hợp trẻ chán ăn do mắc một bệnh lý thực thể nào đó liên quan đến đường tiêu hóa và có biểu hiện sinh lý như buồn nôn, nôn, đi ngoài, rối loạn tiêu hóa, sốt, nhức đầu… Trong những trường hợp đó, cần phải đưa trẻ đi khám bệnh và cần có sự chăm sóc, tư vấn từ thầy thuốc đối với từng bệnh cụ thể. Với trường hợp trẻ biếng ăn đơn thuần, thì có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ, nhằm mục đích bổ sung các vi chất dinh dưỡng thiết yếu và năng lượng thiếu hụt để giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng. Phương pháp này tác dụng chậm hơn nhưng có hiệu quả bền vững, an toàn. Trẻ không chỉ ăn ngon hơn và hấp thu tốt hơn mà còn phát triển cân đối chiều cao – thể chất – trí tuệ. Đó là các thuốc có chứa các vitamin và khoáng chất. Nên lựa chọn các dạng bào chế dành riêng cho trẻ và chứa các dưỡng chất thiết yếu như: vitamin B1 (thiamin) và vitamin B12. Đây là hai vitamin trong nhóm B rất thiết yếu giúp duy trì sự thèm ăn cho trẻ, hỗ trợ tiêu hóa chất bột đường (glucid), thúc đẩy sự tăng trưởng và sự săn chắc các khối cơ. Vitamin B12 có vai trò quan trọng trong sự hình thành và tái sinh hồng cầu, giúp phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt và thúc đẩy sự tăng trưởng ở trẻ. Ngoài ra, cần cho trẻ sử dụng thêm vitamin C (ascorbic acid) là một vitamin thiết yếu rất cần thiết cho sự tăng trưởng. Một số vi chất dinh dưỡng hiện nay đang được khuyến cáo sử dụng là kẽm, selen, lysin, taurin, canxi…
Điều gì nên và không nên khi sử dụng thuốc kích thích ăn uống cho trẻ?
Đã gọi là uống thuốc thì có một lưu ý đặc biệt là chỉ uống khi cần thiết và đặc biệt là uống thuốc phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ, dù đó là thuốc bổ. Trước khi uống thuốc cha mẹ cần xác định rõ nguyên nhân biếng ăn của trẻ để tìm được loại thuốc trị đúng bệnh, loại bỏ đúng nguyên nhân đó. Không chỉ vậy mà phải tìm hiểu thật kỹ loại thuốc định cho trẻ uống, đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, tuân thủ đúng liều lượng và quy định của thuốc. Có một số loại thuốc có thể trộn vào thức ăn để trẻ uống cho dễ nhưng không phải loại nào cũng có thể làm như vậy và nên hạn chế làm như vậy để việc dùng thuốc đạt được hiệu quả cao nhất. Việc bổ sung vi chất cần có khoảng thời gian tối thiểu 1-2 tháng giúp trẻ hấp thu, từ đó cải thiện cảm giác thèm ăn tự nhiên, tăng hấp thu, tăng cân ở trẻ. Nhưng cũng không nên lạm dụng các thuốc này vì có thể thúc đẩy quá trình dậy thì ở trẻ đến sớm hơn.
Thuốc cho trẻ biếng ăn cần dùng đúng cách
Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm cho trẻ biếng ăn được kết hợp từ nhiều thành phần với nhau.
Một sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt phải có hàm lượng các vitamin và khoáng chất phù hợp với nhu cầu của trẻ (không quá 300% nhu cầu hàng ngày).
Nếu bạn lựa chọn sai hay dùng sản phẩm không đúng cách sẽ gâycho trẻ nhiều hậu quả nghiêm trọng như :
Sử dụng thuốc bổ không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng thừa vitamin, thừa vi chất… gây tích lũy trong cơ thể trẻ, làm cho trẻ bị ngộ độc, phải đối mặt với những tác dụng phụ không mong muốn.
Trong khi cơ thể trẻ không thiếu mà cha mẹ lại cho sử dụng thêm một lúc nhiều hoạt chất nữa sẽ khiến thừa chất, làm quá tải chức năng gan thận của trẻ.
Nếu thường xuyên dùng quá liều vitamin C có thể làm trẻ bị sỏi thận, rút ngắn thời gian đông máu, giảm sức bền của hồng cầu…
Đối với trẻ em dưới 1 tuổi nếu dùng một cách thường xuyên các sản phẩm thay thế sữa mẹ (trong đó có bổ sung vitamin D) với liều trên 400 UI một ngày. Có thể dẫn đến tình trạng tăng mức can xi máu gây ra trạng thái kích thích, co giật, chậm phát triển trí tuệ ở trẻ. Nặng hơn nữa là gây suy thận và tử vong.
Nhất là các vitamin tan trong dầu ít thải trừ qua nước tiểu như: vitamin A, vitamin D, nên khi dùng nhiều ngày với liều cao sẽ gây tích tụ trong cơ thể dẫn đến ngộ độc, làm ngừng phát triển đầu xương, chậm lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
DS. Nguyễn Thanh Lâm