Phân biệt rối loạn tiền đình và thiếu máu não – MỘT SỐ THUỐC GIÚP TĂNG TUẦN HOÀN NÃO

Rối loạn tiền đình là bệnh lý thường gặp hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thường nhầm lẫn giữa rối loạn tiền đình và thiếu máu não.

Rối loạn tiền đình là thế nào?

Rối loạn tiền đình là bệnh gây nên bởi các tổn thương hệ thần kinh, tai, tim mạch, mắt, tâm thần. Trong một số trường hợp, thuốc có thể là nguyên nhân gây nên rối loạn. 

Triệu chứng thường thấy ở người bị rối loạn tiền đình là: Chao đảo, mất thăng bằng, khó đứng hoặc ngồi vững; Hoa mắt, chóng mặt; Đau cả đầu; Ù tai; Có thể rơi vào trạng thái mất ý thức hoặc ngất… Bệnh có thể tiến triển mạn tính và dần trở thành rối loạn tiền đình nặng, ban đầu chỉ là một cơn chóng mặt đột ngột thoáng qua, sau đó, các dấu hiệu này
xảy ra thường xuyên hơn. 

Tuy nhiên, để chẩn đoán và xác định vị trí tổn thương một cách chính xác, người ta thường chia triệu chứng bệnh ra làm 3 nhóm: 

Chóng mặt: Ảo giác về sự di chuyển của môi trường xung quanh hoặc bản thân, thường là cảm giác xoay tròn hoặc bập bềnh. Những triệu chứng kèm theo bao gồm buồn nôn, đổ mồ hôi, mất cân bằng, nhìn mờ. Nguyên nhân gây bệnh thường là do tổn thương ở dây thần kinh ngoại biên hoặc trung tâm của hệ thống tiền đình. 

Mất thăng bằng: Cảm giác không cân bằng, không vững hoặc như say rượu. Nguyên nhân: Mất đồng bộ giữa các thông tin từ tiền đình, tiểu não, cảm giác sâu, mắt, ngoại tháp. 

Ngất: người bệnh có thể rơi vào trạng thái mất ý thức hoặc ngất, kèm theo đổ nhiều mồ hôi, cảm giác buồn nôn, mắt mờ.  Nguyên nhân là do tưới máu não giảm, gặp trong tụt huyết áp, rối loạn chức năng tim hoặc phản xạ thực vật. 

NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH 

Rối loạn tiền đình xảy ra khi có sự hoạt động không bình thường ở hệ thống này, có thể là do tổn thương:

Do trung ương: thiếu máu não, xuất huyết não, u não vùng hố sau, xơ cứng rải rác… 

Do ngoại biên: Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, chóng mặt sau chấn thương đầu, bệnh lý Méniere, viêm mê đạo, viêm thần kinh tiền đình, bệnh lý nhiễm độc tiền đình, phục hồi chức năng não sớm, tránh di chứng lâu dài, tai biến, u não là biến chứng do rối loạn tiền đình. 


MỐI LIÊN HỆ GIỮA THIẾU MÁU NÃO VÀ RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH

Thiểu năng tuần hoàn não chỉ là một trong những yếu tố gây nên rối loạn tiền đình. Thiểu năng tuần hoàn não là một bệnh rất thường gặp ở lứa tuổi trên 50 và những người mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân  béo phì, bệnh lý tim mạch… Các biểu hiện đặc trưng của thiểu năng tuần hoàn não thường gặp vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng, bao gồm: Nhức đầu, chóng mặt, mất thăng bằng; Buồn nôn hoặc ói mửa; Rối loạn vận động/cảm giác: liệt tê yếu nửa người, liệt mặt…Rối loạn thị giác: song thị, nhìn mờ, có ám điểm, ảo thị hoặc rung giật nhãn cầu;

 
Rối loạn thính giác: Ù tai và giảm thính lực; Rối loạn nuốt, đại tiểu tiện… 

Nguyên nhân thiểu năng tuần hoàn não bao gồm 3 nhóm nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não: 

Do huyết khối: do cục máu đông hình thành ở nhóm các động mạch lớn nuôi não (động mạch cảnh trong, động mạch não giữa, động mạch đốt sống…), chủ yếu do hiện tượng xơ vữa động mạch. 

Do thuyên tắc: gây tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở nơi khác và di chuyển lên não gây tắc mạch, thường có nguồn gốc từ tim (rung nhĩ, bệnh lý van tim, nhồi máu cơ tim…). 

Do huyết động: như tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim, rối loạn đông cầm máu… 

Phần lớn người bệnh đều có sự nhầm lẫn giữa 2 bệnh này bởi vì thiểu năng tuần hoàn não và rối loạn tiền đình đều có những dấu hiệu giống nhau như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn nhưng thực tế thì 2 căn bệnh này có nguyên nhân gây bệnh khác nhau. 

Thiểu năng tuần hoàn não là trạng thái suy giảm lượng máu đến nuôi não do các bệnh mạn tính gây ra như tăng huyết áp, xơ cứng mạch não, các bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, suy thận mạn. Bên cạnh đó còn có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như nghiện bia rượu, thuốc lá, stress, thừa cân, béo phì, ít vận động. 

Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng làm cho người bệnh có biểu hiện chóng mặt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo rất khó chịu. 

Nhìn chung, rối loạn tiền đình và thiếu máu não đều có những biểu hiện rất giống nhau bao gồm các triệu chứng của hệ thống tiền đình: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… Xét về định nghĩa và nguyên nhân, thiếu máu não chỉ là một trong nhiều yếu tố gây nên rối loạn tiền đình. Ở một bệnh nhân bị thiếu máu não, nếu không được chẩn đoán sớm thì sẽ dẫn đến di chứng và
tàn tật hay có thể dẫn đến tử vong. 

Để điều trị dứt điểm và ngăn ngừa tái phát, người bệnh nên hiểu rõ căn nguyên của 2 căn bệnh rối loạn tiền đình thiếu máu não, tránh nhầm lẫn và đặc biệt là không được tự ý mua thuốc uống. Thay vào đó, nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa khám để tìm ra nguyên nhân gây đau đầu, chóng mặt thường xuyên và có hướng điều trị kịp thời. 

Nhiều người có thói quen hễ đau đầu lại tìm mua thuốc tăng cường tuần hoàn não để uống.

Nhưng sử dụng thuốc không được bác sĩ chỉ định tiềm ẩn nhiều nguy cơ gặp phản ứng phụ mà người sử dụng không lường được hết.  

CÓ PHẢI ĐAU ĐẦU LÀ DO THIẾU MÁU NÃO?

Bộ não của con người hoạt động tốt khi được cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Nếu tuần hoàn não ngừng khoảng 6 giây, chúng ta sẽ ngất và ngừng 5 phút thì các tế bào não sẽ chết. Tuần hoàn não kém sẽ dẫn đến các rối loạn như nhức đầu, ù tai, chóng mặt, lo âu, ám ảnh, mất ngủ, trí nhớ giảm, thiếu sự tập trung, nặng hơn là lú lẫn, sa sút trí tuệ, loạn ngôn, mất trí nhớ…  

Nguyên nhân dẫn đến tuần hoàn não giảm gồm có: xơ vữa mạch máu não, giảm tiết các chất sinh học được gọi là các chất dẫn truyền thần kinh ở não, thiếu men chuyển hoá, thiếu glucose và ôxy cung cấp cho não… 

Trường hợp rối loạn tuần hoàn não nặng gọi là thiếu máu não cục bộ. Đây là hiện tượng có sự giảm dòng máu trong nhiều giây hoặc một vài phút đến não và làm hoạt động não bị rối loạn nặng. Nếu dòng máu này ngưng chảy lâu hơn một vài phút thì sẽ dẫn đến nhồi máu não. Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu não cục bộ chủ yếu là do các bệnh lý tim mạch như
xơ vữa động mạch não, bóc tách động mạch, loạn nhịp tim, rung nhĩ, các bệnh lý van tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp…  Trường hợp rối loạn tuần hoàn não nặng phải được thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện, người bệnh không  tự dùng thuốc để chữa trị sẽ rất nguy hiểm. 

Trên thực tế, các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt… rất thường gặp ở những bệnh liên quan đến hệ thần kinh, không phải chỉ riêng bệnh thiếu máu não. Vì thế, người bệnh nên đến các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa để được  bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, từ đó đưa ra loại thuốc bổ sung máu lên não phù hợp. Không nên cứ thấy đau đầu là tìm mua thuốc bổ não uống. 

MỘT SỐ THUỐC GIÚP TĂNG TUẦN HOÀN NÃO

Cinnarizin là thuốc chẹn kênh calci có chọn lọc, làm giảm hoạt tính co mạch của một số chất (adrenalin, serotonin), góp phần tăng oxy lên não… Tuy nhiên, các tác dụng phụ của thuốc là gây đau vùng thượng vị, rối loạn tiêu hoá, ngủ gà. Đối với người cao tuổi, tránh dùng thuốc dài ngày vì có thể gây tăng hoặc xuất hiện những triệu chứng ngoại tháp, đôi khi kết hợp với cảm giác trầm cảm trong điều trị kéo dài.  

Piracetam có tác dụng đẩy mạnh chuyển hóa oxy và glucose trên não; phục hồi những tổn thương não; duy trì khả năng tổng hợp năng lượng ở não; cải thiện các tình trạng mất trí nhớ, thiếu tập trung, hoa mắt, chóng mặt… Khi dùng thuốc có thể xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, nôn, tiêu chảy, đau bụng, trướng bụng hoặc cảm giác bồn chồn, dễ bị kích động, nhức đầu, mất ngủ, ngủ gà gật… Có thể giảm nhẹ các tác dụng phụ này bằng cách giảm liều. 

Cerebrolysin tác động vào tận phía trong của tế bào thần kinh, giúp biệt hóa, tăng sinh, điều hòa các chức năng của tế bào thần kinh; tăng cường sự dẫn truyền máu lên não; bảo vệ các thương tổn tế bào não do tình trạng thiếu máu gây ra. Bên cạnh đó, thuốc còn có công dụng điều trị chứng kém tập trung, rối loạn trí nhớ… 

Ginkgo biloba giúp bổ sung máu lên não; duy trì hoạt động bình thường của động mạnh; điều hòa các sự chuyển hóa của não như cân bằng chất điện giải, tăng tiêu thụ glucose; hỗ trợ điều trị các chứng đau đầu, sa sút trí tuệ, chán nản, lo âu… 

Saponin là một thành phần có tác dụng tương tự như nhân sâm. Saponin có nhiều trong rễ cây đinh lăng, giúp cải thiện trí nhớ  và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. 

TƯ VẤN BỆNH NHÂN

Người mắc bệnh thiểu năng tuần hoàn não không nên xem thường hoặc chủ quan. Do bệnh xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau nên để điều trị có hiệu quả, người bệnh cần được khám bệnh, tốt nhất là khám ở các cơ sở y tế đủ điều kiện  để xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. 

Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa được chỉ định. Nếu phải dùng thuốc thì không nên tự ý tăng hoặc giảm liều dùng mà cần tuân thủ theo chỉ định; theo dõi phát hiện những tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra trong quá trình sử dụng, kịp thời báo cho bác sĩ để được xử lý thích hợp. 

Tuyệt đối không mua thuốc theo lời mách bảo hoặc mua theo đơn thuốc của người khác. Người bệnh cũng nên duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ để được kiểm soát huyết áp, mỡ máu, thoái hóa cột sống cổ… Đồng thời, áp dụng chế độ ăn, uống hợp lý, không nên lạm dụng rượu, bia… Cần vận động cơ thể thường xuyên tùy theo điều kiện và sức khỏe của
mình để khí huyết lưu thông.

  Nguồn : BS. Trung Hưng